Vì chỉ phải đặt cọc số tiền khá nhỏ, người đàn ông 57 tuổi không hề nghi ngờ nên sau đó đã mất số tiền lớn.
Ảnh minh họa
Mua hàng trực tuyến là hình thức đã trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, những kẻ lừa đảo đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để trục lợi.
Mới đây, Singh – người đàn ông 57 tuổi hiện sinh sống tại Singapore, đã trình báo cảnh sát và chia sẻ với tờ CNA về sự việc bị lừa gần 30.000 đô la Singapore (tương đương hơn 500 triệu đồng) khi mua hàng trực tuyến của vợ chồng ông.
Cụ thể, cuối tháng 12 năm ngoái, vợ ông nhìn thấy một quảng cáo bán trứng gà hữu cơ trên Facebook. Sau khi người vợ nhấp chuột vào đường link để đặt trứng, kẻ lừa đảo đã giả làm người bán hàng và liên lạc với họ thông qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Kẻ này gửi đường link đến một ứng dụng và yêu cầu người vợ trả tiền đặt cọc thông qua đó.
Không mảy may nghi ngờ vì số tiền đặt cọc không lớn, vợ của ông Singh tải xuống ứng dụng để đặt hàng và được chuyển hướng đến một trang thanh toán trông giống của ngân hàng. Lúc này, người đàn ông đăng nhập vào tài khoản ngân hàng và nhập mật khẩu thẻ ngân hàng của mình để thanh toán nhưng không thành công.
Hôm sau, ông Singh nhận được cuộc gọi từ nhân viên dịch vụ khách hàng của ngân hàng, với nội dung thông báo ông đã thực hiện một giao dịch chuyển tiền lớn bất thường. Ông ngay lập tức kiểm tra số dư tài khoản và phát hiện số tiền tiền tiết kiệm của vợ chồng ông đã bị kẻ lừa đảo lấy sạch. Sau đó, vợ chồng ông Singh trình báo cảnh sát để cung cấp thông tin điều tra.
Người tiêu dùng được khuyến cáo cẩn trọng khi thanh toán trực tuyến (Ảnh: OB).
Chia sẻ với tờ CNA, ông Singh nói rằng ông không hề biết việc kẻ lừa đảo đã truy cập được vào tài khoản ngân hàng của mình, đồng thời, ông cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc tiền bị chuyển sang tài khoản khác cũng như không nhận được mã OTP để phê duyệt giao dịch.
Về phần mình, phía ngân hàng cho biết họ đã liên hệ với vợ chồng ông Singh để giải quyết vấn đề và không chia sẻ thêm thông tin liên quan.
Vợ chồng ông Singh nằm trong số rất nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo phần mềm độc hại. Chỉ trong nửa đầu năm ngoái, Singapore đã ghi nhận hàng trăm trường hợp như vậy, các nạn nhân thiệt hại ít nhất 1,9 triệu đô la Singapore (tương đương 35 tỷ đồng).
Đây không phải hình thức quá mới mẻ và cũng được các cơ quan chức năng cũng như báo đài đưa tin nhưng vẫn có không ít người vì mất cảnh giác mà trở thành nạn nhân. Cách đây không lâu, tại Hong Kong (Trung Quốc), một cửa hàng bán thịt sạch trực tuyến đã bị phanh phui việc lừa đảo ít nhất 1,14 triệu đô la Hong Kong (tương đương 3,5 tỷ đồng) chỉ trong vòng 2 tháng.
Với quảng cáo bán thịt sạch, tươi ngon lấy trực tiếp từ nông trại, cửa hàng này nhanh chóng nhận được nhiều đơn đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến tháng 11/2023, cảnh sát Hong Kong đã nhận được ít nhất 10 trình báo liên quan đến việc tiền trong tài khoản ngân hàng đột nhiên “bốc hơi” trong khi họ không hề thực hiện bất cứ lệnh chuyển tiền nào. Sau khi rà soát, những người này phát hiện ra rằng họ mất tiền sau thời điểm mua thịt trực tuyến của cửa hàng trên.
Sau đó, cảnh sát địa phương đã vào cuộc điều tra và phát hiện ra rằng bán thịt sạch trực tuyến chỉ là chiêu trò để đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người mua. Những kẻ lừa đảo đã lừa khách hàng tải ứng dụng giả mạo để đặt hàng, trong đó chứa trang đăng nhập vào tài khoản ngân hàng. Khi khách hàng nhập thông tin, mật khẩu và mã PIN, chúng sẽ lưu lại để sau đó đăng nhập vào tài khoản của họ và chuyển tiền sang tài khoản của mình.
Nguồn Tek-Life & GenK & Chống Trộm Online
Tham gia các chương trình Đào Tạo Trực Tuyến Security365 để nâng cao nhận thức bảo mật thông tin. Đặc biệ với các lớp Learn Hack to Secure hay Learn Secure by Hack rất hữu ích trong vấn đề An Toàn Thông Tin cho chính bạn và tổ chức của mình.
Trả lời